27/11/09

Tình cảm bạn bè, cũng như một thứ dây thường xuân bắt rễ trong tim mình, cứ thế mọc lên theo thời gian và tao ngộ, quấn quýt lấy hình tượng một con người. Bức tượng ấy mà đổ xuống, dây thường xuân ấy dĩ nhiên là bật rễ, tim mình dĩ nhiên là phải nếm trải một thứ cảm giác chẳng dễ chịu gì.

Vi Nhất Tiếu

26/11/09

Kỷ niệm, nghìn mắt

Yêu dấu, rất xa, của tôi, Dù lạc quan, ngây ngô cách mấy, tôi cũng không thể tự đánh lừa mình, rằng, chúng ta chưa hề, xa nhau; một khi, mỗi ngày, kỷ niệm vẫn thôi thúc tôi quay lui, tìm kiếm, trở lại chỗ ngồi ta đã có; ngôi nhà ta đã ở; con đường ta đã đi, bãi cỏ trần gian, ta đã thở. Yêu dấu, tôi hiểu, chỉ những kẻ bất hạnh, chỉ những đời tang thương, mới phải ăn xin sự bố thí tình thương hão huyền từ kỷ niệm. Và, bất hạnh hơn nữa, cho tôi, khi kỷ niệm tôi có lại là kỷ niệm trăm tay. Khi hão huyền tôi có, lại là hão huyền nghìn mắt... Kỷ niệm trăm tay, hão huyền nghìn mắt, từng ngày, thôi thúc tôi tìm lại bóng hình, tìm lại tình tôi, như tìm lại khát khao, tìm lại dung nhan chính nó. Yêu dấu, rất xa, của tôi, Dù tự tin, mê sảng cách mấy, tôi cũng không thể tự đánh lừa mình, rằng, chúng ta chưa hề, mất nhau; một khi, hằng đêm, ngọn đèn bật lên, bóng tôi hắt xuống, quá khứ lại thôi thúc tôi quay lui, trở lại, tìm kiếm cuộc đời tình xưa, đã mù; hạnh phúc xưa, đã vữa. Tôi hiểu, Yêu dấu. Tôi hiểu chỉ những kẻ không thể có được cho mình chút ánh sáng rớt, yếu ngày mai. Tôi hiểu, Yêu dấu. Tôi hiểu chỉ người cầm bằng phải thả mình nổi, chìm trong bóng tối muôn sau, mới ăn xin sự bố thí tình thương từ dĩ vãng; đời khác. Và, bất hạnh thay cho tôi, Yêu dấu, khi dĩ vãng kia, lại là dĩ vãng của những con đường cụt đầu; hàng cây đốn, đứt ngang lưng; chỗ nằm mốc, ẩm trăm năm. Yêu dấu, với tôi, dĩ vãng nào, cũng như những đôi đũa, chúng ta đã dùng, không thể một chiếc, không thể tự thân, làm thành đôi lứa! Với tôi, Yêu dấu, dĩ vãng nào cũng như con đường, (dẫu một chiều,) vẫn nhấp nhô đôi bờ nắng, mưa, thương, nhớ...! Yêu dấu, rất xa, của tôi, Vậy mà, đời sống, (một tên gọi khác của Yêu dấu,) đã hồn nhiên một cách một cách thân ái (?!,) ném, vứt tôi vào xó góc lãng quên, như những đứa trẻ lớn lên, đã ném, vứt món đồ chơi, một thời. Những món đồ chơi, một thời, những tưởng chính là tất cả, đời chúng. Đời sống, (một tên gọi khác của Yêu dấu,) đã hồn nhiên một cách thân ái (!?) ném, vứt tôi vào xó góc lãng quên, như yêu dấu đã bẵng quên con búp bê gẫy tay, thơ ấu. Như Yêu dấu lãng quên cái kẹp tóc, những quyển sách, dăm tập vở ấu thơ, đôi guốc hoa, chiếc lược ngà,..., thời mới lớn... Yêu dấu, rất xa, của tôi, Cách gì, cuối cùng, rồi tôi cũng bị đẩy tới chỗ phải đối mặt với những buổi sáng, một mình, trở dậy. Một mình giữa gối, chăn thốn, đau mùi lẻ bạn. Một mình giữa nắng, gió lăn trên những vòng quay tháng năm, lầm lũi, liu điu... Cách gì, Yêu dấu, cuối cùng rồi tôi cũng phải hiểu rằng, lãng quên hồn nhiên kia, tựa mặt khác lòng thương yêu, tôi lỡ dựng, xây trên lời nguyền rủa của kẻ nào, mang nỗi lầm than, kiếp trước. Yêu dấu, rất xa, của tôi, Cách gì, cuối cùng, rồi tôi cũng bị đẩy tới chỗ phải đối mặt với những buổi chiều, một mình. Buổi chiều, một mình, lê đôi giầy mang trọn nỗi đìu hiu, rơi nặng trên ngõ về, rớt khô trên bậc cửa. Những bậc cửa không hề cho tôi, hứa hẹn, bên trong, đợi chờ, ánh sáng. Cách gì, Yêu dấu, cuối cùng, rồi tôi cũng bị đẩy tới chỗ phải hiểu rằng, lãng quên hồn nhiên kia, tựa như mặt khác cảnh đời tôi riêng, đã lạnh. Hôm nay, tôi hiểu, Yêu dấu... Tôi hiểu tóc mưa, tôi hiểu môi nóng, tôi hiểu ngực thơm, tôi hiểu tay xiết,..., tất cả, rồi cũng chỉ như dòng sông, nước xiết, trôi đi... Hôm nay, tôi hiểu, Yêu dấu... Tôi hiểu con đường, tôi hiểu góc phố, tôi hiểu ghế ngồi, tôi hiểu vai nghiêng, tôi hiểu mắt ướt, tất cả, rồi cũng chỉ như biển lớn nồng nàn, chợt, bỗng, quay lưng... Cho nên, Yêu dấu, rất xa, của tôi, Xin hãy sớm, thôi! đừng! mách bảo tôi, đời sau. Xin hãy sớm, thôi! đừng! chỉ dậy tôi, kiếp khác. Hãy sớm, thôi! đừng! khuyên nhủ tôi, kiên nhẫn, gõ, đập cánh cửa thời gian, hỏi xin liều thuốc kỳ diệu. Liều thuốc lãng quên. Liều thuốc nhạt phai, chữa lành vết thương tình ta, xuất huyết. Bởi vì, Yêu dấu, rất xa, của tôi, Từ lâu, biệt ly, (một tên gọi khác của Yêu dấu,) đã mau mắn, ân cần trao tận tay tôi, chiếc chìa mở vào hầm mộ đời tôi, ngày nào, sẽ tới. Bởi vì, Yêu dấu, cuối cùng, tôi cũng phải hiểu ra thôi!... Tôi hiểu, trái tim chói chang niềm vắng, xa Yêu dấu, trong tôi, sớm muộn gì, cũng sẽ tới ngày, ngưng đập. Bởi vì, Yêu dấu, cuối cùng tôi cũng phải hiểu ra thôi! Tôi hiểu dòng máu nứt nẻ nỗi khát khao Yêu dấu, trong tôi, sớm muộn gì, cũng sẽ tới ngày hạn hán. Nhưng, Yêu dấu, rất xa, của tôi, Trái tim tội nghiệp trong tôi kia, tới ngày ngưng đập, nó vẫn không phải là món đồ chơi đã cũ. Như chiếc lược ngà, Yêu dấu đã quên. Như đôi guốc hoa tróc lở nước sơn, Yêu dấu đã bỏ... Trái tim tội nghiệp trong tôi kia, vẫn không hề là một món đồ phế thải, để chúng ta có thể vứt bỏ, như ta từng vứt bỏ trái cam sớm ủng, chùm nho lỡ nát. Chúng ta không thể nán chờ, chuyến xe rác ngày mai, đem chúng tới một nơi đổ chung; chờ xay, nghiền thành phân bón. Nhưng, Yêu dấu, rất xa, của tôi, Dòng máu tội nghiệp trong tôi kia, tới ngày cạn, khô, nó vẫn không phải là món đồ chơi đã cũ. Như con búp bê gẫy tay, Yêu dấu đã quên. Như quyển sách, bài thơ vô duyên, Yêu dấu đã vứt.... Dòng máu tội nghiệp trong tôi kia, vẫn không hề là một món đồ phế thải, để chúng ta có thể nán chờ, chuyến xe rác, tuần sau, đem chúng tới một nơi vứt bỏ chung, chờ được tái tạo...Yêu dấu rất xa, của tôi, Giữa biệt ly, trong lãng quên, trái tim kia, dòng máu nọ, nơi phút giây cuối cùng, vẫn dành lấy cho chúng, nhịp đập hối hả, nhớ nhung; độ nóng cuồng điên khát khao đẫm, lòa tưởng, tiếc... Cũng như tôi, chính tôi, yêu dấu, nơi phút cuối đời mình, tôi vẫn muốn dành lấy cho tôi, quyền được nói lớn với cuộc đời, được kêu rêu với mọi người, rằng: Yêu dấu, cách gì, dẫu xa, vẫn là Yêu dấu của tôi, trăm tay; vẫn là Yêu dấu của tôi, nghìn mắt!?!...

Du Tử Lê

10/11/09

Đành vậy với tình yêu

Cho đến cuối thế kỷ này, khi mà những khám phá khoa học đã bóc trần mọi lớp vỏ huyễn hoặc của thế giới quanh ta thì con người vẫn tiếp tục hồn nhiên chất vấn mình và chất vấn nhau: Tình yêu là gì? Tình yêu có thật hay không ?

Bao nhiêu thế kỷ qua đi và tình yêu cũng thay hình đổi dạng. Đắm chìm vào những cuộc vong thân ngoạn mục, tình yêu đã hoá thân và theo từng thời kỳ, mang những khuôn mặt khác.



Tình yêu cuối thế kỷ này không còn mộng mị nữa. Những giấc mơ hão huyền đã ra đi. Con người đến với tình yêu bằng một ngôn ngữ khác. Có một thứ hình bóng của mộng du len lỏi vào giữa cái điều mà người ta gọi là tình yêu. Và cứ thế người ta lao vào cái điều "tưởng như" ấy một cách đồng bóng và đánh mất dần cái hồn phách thơ mông của những ngày đã xa xưa.

Đừng bao giờ nói một lời có tính cách khẳng định về tình yêụ Mới ngày hôm qua là như thế hôm nay đã khác rồi. Tình yêu tưởng vĩnh viễn ra đi mà không ra đi. Tình yêu vờ như ở lại mà không ở lại. Kể lại một chuyện tình thường khi là kể lại một cái gì đã mất. Nhưng cũng không hiếm những trái tim lạc hướng bỗng một hôm lại ngoạn mục quay về. Không thể nói nhiều về tình yêu mà không mắc lỗi lầm. Cứ để nó yên ở một vị trí nào đó và nhìn ngắm, quan sát hoặc chờ đợi. Tình yêu là bất khả tư nghì.

Không ai điên gì mà tự xưng mình là kẻ biết rõ về tình yêu nhất. Đau khổ cả trăm lần vẫn cứ là một đứa trẻ thơ trong tình yêu. Tình yêu có lẽ là lời nói dối uyên thâm nhất của trái tim. Một trái tim kim cương không tì vết, không thách thức nhưng ngạo nghễ và thích đùa. Một thứ đùa cợt làm bằng bi hài kịch và trên sân khấu của cuôc hành trình đã làm nổ tung ra những cơn thịnh nộ của núi lửa hoặc của những mùa băng rã tuyết tan.

Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng nó vẫn là nguồn an ủi duy nhất. Nó là trò chơi dối trá cần thiết và qua nó chỉ có con ngưòi mới hiểu được thế nào là đau khổ để rồi có lúc phải thốt lên: Tôi buồn quá....

Tình yêu là không khoan nhượng. Cái khía cạnh ác độc của tình yêu không ai có thể đo lường được. Khi cần dập chết một cuộc tình nó sẽ không cần biết nương taỵ Nó lạnh lùng thản nhiên trước cơn hấp hối của "con bệnh tình". Vì thế xin các hoàng tử, quí công nương hãy biết kềm giữ mình khi đứng bên mép bờ hiu hắt và luôn luôn chuẩn bị sẵn cho mình một bài kinh thiền định để giữ được cõi lòng bình an, tĩnh lặng. Mọi cơn bão sẽ qua đi và trên các bờ bãi, biển đã để lại bao nhiêu là sinh vật biển cho một bữa tiệc dù muộn màng, phù du, nhưng cũng đủ để làm hồi sinh một nỗi khát sống và xoá đi những thương tích tuồng như không đáng có.

Tình yêu không có thắng bại. Ở đây không phải đấu trường mặc dù vẫn có những vết thương. Thậm chí đôi khi còn mang đến những cái chết, những cái chết không báo trước nhưng cũng nhuốm đầy đủ màu sắc tai ương, của một kiếp nạn. Những cái chết như thế không còn mới mẻ gì nữa, chỉ đủ gây ngạc nhiên thoáng qua để có dịp nhắc nhở lại một thời kỳ vàng son của triều đại lãng mạn. Thế nhưng ở đâu đó trên các vỉa hè trong lòng các đô thị, nhất là dưới ánh đèn mờ tỏ ở các ngoại ô, tiếng xì xào vẫn cứ vang lên như một ngọn gió xót thương qua các đền thờ của ảo giác. Đó cũng là lời tôn vinh phù phiếm nhằm làm thăng hoa tình yêu hầu khôi phục lại một thứ lòng tin đã bị đánh mất.

Nếu có dịp chạm vào tình yêu thì hãy thử mượn một cỗ xe chở lòng bất kính đến trước. Có thể không hẳn là lòng bất kính mà một cái gì đó gần với sự thờ ơ, lãnh đạm hoặc một phương cách lịch sự bóng bẩy phường tuồng. Đó là lá chắn cần thiết, một thứ bùa hộ mạng để chống đỡ những mũi dao vô đạo có thể gây thương tích bất ngờ trên lòng tự trọng.

Tình yêu hình như không di chuyển trên một mặt phẳng. Nó thường dẫn người trong cuộc đi qua những nơi chốn không hề dự phòng trước. Thế rồi một hôm bỗng dưng mọi chuyện cứ lệch lạc hẳn đi và người trong cuộc thấy mình không còn là mình nữạ Như trong mùa biển động, những con sóng dữ tha hồ nhảy múa và nó rút dần tinh lực của con người.

Có những kẻ thấy được thiên đường. Có những kẻ thấy được địa ngục. Và có không ít những kẻ bị chọc mù đôi mắt khi đi qua tình yêu. Những giấc mơ hồng, những ác mộng đen. Đôi khi có những cái bóng vô hồn ngoan ngoãn tới lui trong không gian vô hình của những câu thần chú. Khi nhóm lửa đốt lòng mình trên những mê hoặc của lời thề nguyền thì lúc ấy chỉ còn âm binh nói chuyện với âm binh. Giấy vàng bạc bay lả tả phủ hết con đường tỉnh thức để mở ra một cõi đời son phấn ngào ngạt hương hoa mơ mơ, tỉnh tỉnh, muội muội, mê mê nhưng đầy một thứ lạc thú riêng tư, một cõi trời bay bổng.

Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nàọ Thôi thì đành có nó vậy

--- Trịnh Công Sơn ---

9/10/09

Cuộc đời cũng chỉ là 1 câu chuyện, xét cho cùng ...

Dạo này rảnh, công nhận là tớ rất rảnh và không có việc gì làm. Thời gian trước, cứ ol là ko đọc cái này thì đọc cái kia, phân loại, dịch, review, post bài ... Mỗi ngày đọc 1 đống rss của các site khác nhau, rồi google, wiki, nghịch ngợm trên kienviet, meslab ... Bây giờ thì lâu lắm mới gặp lại cái cảm giác ol cả tối mà không biết làm gì, chẳng chat với ai, lần mò fb rồi chơi game. Cả ngày dùng " 8h vàng ngọc " để chơi RC, FV & nghịch facebook, nghe nhạc & đọc truyện. Đang đọc lại từ đầu " Biên niên ký về chim vặn dây cót" mà mãi chả xong.

Nói là nhàn hạ thì không đúng, có lẽ là lười vì ngay trước mắt là phòng thì ko dọn, quần áo thì ko thèm là ..., hiện giờ tớ chỉ lo mỗi việc chăm lo cho mấy cây trồng ở nhà & sáng sáng gọi tình iu của tớ dậy mặc dù 90% là tình iu nghe điện thoại xong là ngủ tiếp =((.

Dạo này tớ chả buồn, cũng chả vui, thích tha thẩn 1 mình & ghét bị làm phiền. Cuộc sống hơi boring 1 chút, nhưng mà cũng quen rồi. Thỉnh thoảng lang thang cafe 1 mình, hoặc cafe với SB, anh Huy, Tùng già, Buta, anh Sơn CV để "đàm thiên, thuyết địa, luận nhân" :D.

Thực ra mà nói thì cũng có khối việc để mà làm. Đầu tháng 9 có bảo với MA là định quay lại thêu, cơ mà dựng lại cái khung thêu rồi, lôi hết cả 2 cái tủ đồ thêu ra nhìn ngắm, nhấc lên đặt xuống rồi lại xếp lại. Cũng định thêu lại 1 vài bức đã cũ nhưng cầm kim lên rồi lại thôi.

"Luồn kim vào nhớ để may
Chỉ yêu cứ đứt trên tay mình cầm" :D

Lâu lắm rồi tớ chẳng còn cảm giác hồ hởi, tí tởn khi mua đc cái kit thêu hoặc down đc chart thêu mà mình thích, chẳng còn thích ngồi xếp xếp ngắm ngắm đống chỉ lòe loẹt đủ màu. Đang tính sẽ bán hết đống vải, kit, len sợi ... đi, bắt đầu lại từ đầu công cuộc bon chen từ những thứ nhỏ nhặt nhất, tìm mẫu, down chart ... may ra có chút khởi sắc.

Trong waiting lists còn 1 cái ví cần ghép nốt mà đã 6 tháng nay chưa mó tay vào, còn khăn đan cho
anh Uyên, cho mấy người bạn, rồi móc giầy nữa chứ ... Kể ra để làm hết cái đống handmade hiện có ở nhà chắc phải mất tầm 3 năm, nhưng tớ vẫn chưa biết bắt đầu lại từ đâu. Bản tính tớ vẫn thế, rất khó để có thể bắt đầu bất cứ cái gì mới, nhưng " Cả đời đắp đắp xây xây/ Đến khi phá bỏ 1 ngày là xong " :|

Mà kể đến đọc truyện, hiện giờ vẫn còn khoảng 5 quyển chất đống ở nhà chưa đọc, cũng tại cả ngày đọc 1 truyện rồi, tối về cũng ko muốn đọc sang quyển khác. Đêm hôm trc 2h thằng Hà mít nhắn tin kể là đọc xong Suối nguồn rồi ^^, díp tịt mắt lại nên viết xong reply mà quên ko send, sáng hôm sau lại lọ mọ reply lại :)).

Thỉnh thoảng cũng tự tìm vài niềm vui nho nhỏ, kiểu như có khuyên tai mới hình con voi ;), rồi đi mua hoàng lan về, lăn lê bò toài ra nhà chụp ảnh nhìn rất dở hơi rồi post lên show off, hoặc là lèo nhèo mama đổi xe chẳng hạn. Nhưng mà cái gì cũng thế, cũng chỉ là "mua vui cũng được 1 vài trống canh "

Tập trung vào trồng cây, nuôi cá cũng có nhiều thứ khá hay ho, ví dụ như cây Cattlaya đang trổ nụ, cây mộc đang ra kha khá lộc, cây ớt mang từ quê lên trong 1 ngày mưa to gió lớn nên dặt dẹo thì h cũng ra hoa, cây nguyệt quế bt chỉ nở hoa vào đầu tháng thì lại lác đác có hoa từ hôm trung thu đến giờ ..., hôm trc tha về 1 đôi phượng hoàng lùn màu vàng chanh từ tự nhiên chết toi mất 1 con, bù lại thì lũ bảy màu & cá kiếm đẻ ra mấy đàn lúc nhúc. Sen thì tàn rồi nhưng 3 hạt sen thu hoạch được mang ra ươm ở chậu khác thì đã ngóc đầu lên nảy mầm ... Sáng sáng dậy sớm tưới cây, loanh quanh ngó nghiêng ở sân cho đỡ tỉnh ngủ rồi bò đi làm. Trưa lại chạy về tưới cây vì cái cây Sử tử quân chết tiệt leo cho cao vào còn chậu thì bé tí, kết quả là trưa nào cũng héo. Trồng 2 năm rồi mà nhất định ko ra hoa

Haizz, dạo này tớ nhảm thế đấy, tớ lải nhải lên đây vài dòng cho bà con biết tình hình tớ vẫn ổn, cơm ăn 3 bữa quần áo mặc cả ngày. Tớ tag 1 số người trong cái note này vì có thể mọi người đã/ đang/sẽ liên quan đến những gì tớ vừa lảm nhảm. Bà con nào thấy ko hợp lý thì cứ tự động remove tag nhé ;)

Cuộc đời cũng chỉ là 1 câu chuyện, xét cho cùng ...

23/9/09

Suối nguồn


"Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm ra cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình thắp lên. Anh ta bị coi là 1 kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ 1 món quá mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này. Nhiều thế kỷ sau, có 1 người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là 1 kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loại người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ 1 món quà mà họ đã không hiểu và anh ta đã mở ra những con đường trên mặt đất.

" Những người đó - những người không chịu phục tùng và luôn đi đầu - đứng ở chương mở đầu của tất cả những truyền thuyết mà loài người ghi lại về thủa sơ khai. Promete đã bị xích vào 1 tảng đá và bị những con kền kền xé xác - bởi vì anh đã ăn cắp ngọn lửa của những vị chúa trời. Adam bị buộc phải chịu đau khổ - bởi vì anh ta đã ăn quả cấm trên cây thiện - ác. Dù truyền thuyết gì đi chăng nữa, ở sâu trong trí nhớ, loài người biết rằng vinh quang của chúng ta bắt đầu từ 1 cá nhân và cá nhân đó đã phải trả giá cho lòng dũng cảm của mình.

"Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại - những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế - đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.

"Một người sáng tạo không bao giờ bị thôi thúc bởi khát vọng phục vụ đồng loại của anh ta, bởi vì chính đồng loại của anh ta luôn chối bỏ món anh ta đem tặng họ; đồng thời món quà đó phá hủy cuộc sống bình thường của anh. Anh ta sáng tạo vì động cơ duy nhất: chân lý. Chân lý của riêng anh, và lao động của riêng anh để đạt tới chân lý theo cách riêng của anh. Mục đích và cuộc đời anh ta nằm ở một bản giao hưởng, một quyển sách, một cỗ máy, một trường phái triết học, một cái máy bay hay một tòa nhà. Nó không nằm ở người nghe nhạc, người đọc sách, người vận hành máy, người đi theo trường phái triết học, người đi máy bay hay người sống trong ngôi nhà mà anh ta tạo ra. Sự sáng tạo, chứ không phải những lợi ích mà người khác được hưởng từ sự sáng tạo ấy. Sáng tạo là cách anh ta thể hiện chân lý của mình. Anh ta đặt chân lý này lên bên trên mọi thứ, bất chấp tất cả loài người.

“Tầm nhìn, sức mạnh, và lòng dũng cảm của anh ta đến từ linh hồn của anh ta. Tuy nhiên, linh hồn của một người lại chính là cái tôi của anh ta. Cái tôi là thực thể làm công việc nhận thức. Cái tôi có chức năng tư duy, cảm giác, đánh giá và hành động.

“Những người sáng tạo luôn là những người có cái tôi. Cái tôi chính là toàn bộ bí mật về sức mạnh của họ - cái tôi ấy đầy đủ trong bản thân nó, tự vận động trong bản thân nó, và tự tái tạo trong bản thân nó. Cái tôi là nguyên nhân đầu tiên, là nguồn năng lượng, là động lực sống, là cội rễ của tất cả. Người sáng tạo không phục vụ cái gì và không phục vụ bất cứ ai khác. Anh ta sống vì chính bản thân mình.

“Và chỉ có bằng cách sống vì bản thân, anh ta mới có thể đạt được những thành tựu vinh quang của loài người. Đó chính là bản chất của sự thành công...

“Loài người có thể tồn tại nhờ trí tụê của mình. Loài người đến trái đất mà không được trang bị vũ khí nào. Bộ óc là thứ vũ khí duy nhất của họ. Động vật kiếm thức ăn bằng sức mạnh cơ bắp. Loài người không có móng vuốt, không có răng nanh, không có sừng; họ cũng không có sức mạnh cơ bắp vượt trội. Loài người phải tự trồng trọt hoặc săn bắn để có thức ăn. Để trồng trọt, họ phải có một quá trình tư duy. Để săn, họ cần có vũ khí, và để làm ra vũ khí - họ cũng cần một quá trình tư duy. Từ nhu cầu đơn giản nhất này cho đến nhưng khái niệm tôn giáo trừu tượng nhất, từ cái bánh xe cho đến tòa nhà chọc trời, tất cả những gì con người đại diện và tất cả những gì con người có đều đến từ một thuộc tính đơn nhất của con người - đó là chức năng tư duy của bộ óc.

“Nhưng bộ óc lại thuộc về cá nhân. Không có cái gọi là bộ óc tập thể. Không có cái gọi là một ý nghĩ tập thể. Một thỏa thuận do một nhóm người đạt được thực ra chỉ là một thỏa hiệp hoặc là giá trị trung bình rút ra từ những ý nghĩ cá nhân. Đó chỉ là một hệ quả có tính phát sinh. Hành động chủ yếu, tức là quá trình tư duy - phải do mỗi cá nhân thực hiện độc lập. Chúng ta có thể chia một bữa ăn cho nhiều người. Nhưng chúng ta không thể tiêu hóa nó trong một cái dạ dày tập thể. Không ai có thể sử dụng phổi của mình để thở cho người khác. Không ai có thể sử dụng bộ não của mình để nghĩ hộ kẻ khác. Tất cả mọi chức năng của thể xác và linh hồn đều có tính cá nhân. Chúng không thể bị chia sẻ hoặc chuyển giao cho người khác.

“Chúng ta thừa kế những sản phẩm tư duy của người khác. Chúng ta kế thừa cái bánh xe. Chúng ta tạo ra một chiếc xe ngựa. Xe ngựa thô sơ trở thành xe ô-tô. Ô-tô trở thành máy bay. Nhưng trong suốt quá trình đó, những gì chúng ta nhận được từ người khác chỉ là sản phẩm cuối cùng trong quá trình tư duy của họ. Cái động cơ thúc đẩy quá rình này chính là khả năng sáng tạo, nhờ nó mà chúng ta lấy những sản phẩm cuối cùng kia làm nguyên liệu để sử dụng và sáng tạo ra sản phẩm mới. Khả năng sáng tạo này không thể đem cho hoặc nhận, không thể chia sẻ hoặc vay mượn. Nó thuộc về các cá thể người đơn lẻ. Khả năng sáng tạo là tài sản của người sáng tạo. Loài người có thể học lẫn nhau. Nhưng học luôn chỉ là sự trao đổi nguyên vật liệu. Không ai có thể cho ai khả năng tư duy. Và khả năng tư duy ấy lại là phương tiện duy nhất giúp chúng ta tồn tại.

“Loài người không được cho sẵn bất cứ cái gì trên mặt đất này. Tất cả những gì anh ta cần - anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây loài người đối mặt với sự lựa chọn cơ bản nhất của mình: anh ta chỉ có thể tồn tại được theo một trong hai cách - bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành một kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của những người khác. Người sáng tạo chọn cách thứ nhất. Kẻ ăn bám thì chọn cách thứ hai. Người sáng tạo một mình đối mặt với tự nhiên. Kẻ ăn bám đối mặt với tự nhiên thông qua những trung gian.

“Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người.

“Người sáng tạo sống với lao động của mình. Anh ta không cần ai khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta.

“Nhu cầu cơ bản của người sáng tạo là sự độc lập. Một bộ óc biết tư duy không thể hoạt động dưới sự cưỡng bức theo bất cứ hình thức nào. Nó không thể bị đóng yên cương, không thể hy sinh hay khuất phục trước bất cứ điều gì. Nó đòi hỏi sự độc lập tuyệt đối trong cả chức năng và động cơ. Đối với một người sáng tạo, tất cả những mối quan hệ với con người đều là thứ yếu.

“Nhu cầu cơ bản của một kẻ thứ sinh là củng cố quan hệ của anh ta với mọi người để được họ nuôi sống. Anh ta đặt quan hệ lên trên hết. Anh ta tuyên bố rằng loài người tồn tại là để phục vụ người khác. Anh ta rao giảng về chủ nghĩa vị nhân sinh."

“Vị nhân sinh là học thuyết đòi hỏi con người phải sống vì người khác và đặt những người khác lên trên bản thân mình.

“Không ai có thể sống vì người khác. Một người không thể chia sẻ linh hồn anh ta, cũng giống như anh ta không thể chia sẻ thể xác của anh ta. Nhưng những kẻ sống thứ sinh đã lợi dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một thứ vũ khí để lợi dụng và đảo ngược lại những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loài người. Loài người đã được dạy dỗ rằng phụ thuộc lẫn nhau chính là một đức hạnh.

“Một người cố gắng sống vì người khác là một người luôn lệ thuộc. Anh ta là một kẻ ăn bám trong động cơ của mình, và anh ta cũng biến những người mà anh ta phục vụ thành những kẻ ăn bám. Mối quan hệ này chẳng tạo ra cái gì khác ngoài sự suy đồi cho cả hai bên. Cái gần nhất với quan hệ này trong thực tế chính là chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ về mặt thể xác là đáng ghê tởm, thì nô lệ về tinh thần còn ghê tởm đến mức nào? Kẻ bị buộc làm nô lệ vẫn còn có chút danh dự. Vì anh ta còn dám chống lại chế độ nô lê và coi nó là xấu xa. Còn những người tự biến bản thân thành nô lệ nhân danh tình yêu thương - họ là những sinh vật thấp hèn. Họ đã hạ thấp phẩm giá con người và hạ thấp khái niệm tình yêu thương. Thế mà dây chính là cốt lõi của chủ nghĩa vị nhân sinh.

“Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trướck hi có những người hưởng lợi từ sự sáng tạo. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh - những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công.

“Loài người đã được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp cho người khác bớt khổ đau. Nhưng khổ đau là một căn bệnh. Chỉ khi có người bị bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau đớn. Còn nếu chúng ta biến việc giảm khổ đau thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ - để người ta có thể trở thành người đức hạnh. Đó chính là bản chất của chủ nghĩa vị nhân sinh. Trong khi đó, người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của người sáng tạo lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, cả bệnh tật của thể xác lẫn bệnh tật của tâm hồn. Thành quả của họ giúp giảm nhẹ khổ đau nhiều hơn bất cứ một người theo chủ nghĩa vị nhân sinh nào có thể làm.

“Loài người đã được dạy dỗ rằng đồng tình với người khác là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn bất đồng. Loài người đã được dạy dỗ rằng bơi theo dòng nước là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo luôn bơi ngược dòng. Loài người đã được dạy dỗ rằng đứng tụ tập bên nhau là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn là người đứng một mình.

“Loài người đã được dạy dỗ rằng cái tôi đồng nghĩa với sự xấu xa, và việc không-có-cái-tôi là đức hạnh lý tưởng. Nhưng người sáng tạo là người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối, còn người không có cái tôi là kẻ không tư duy, không cảm nhận, không đánh giá và không hành động. Bởi vì tư duy, cảm nhận, đánh giá và hành động là những chức năng của cái tôi.

“Đây là chỗ mà sự đánh tráo khái niệm này có tác hại khủng khiếp nhất. Sự đánh tráo này đưa con người đến chỗ không có lựa chọn - và không có tự do. Thay vì hai thái cực tốt và xấu, chúng ta chỉ còn hai khái niệm: vị kỷ hay vị nhân sinh. Sự vị kỷ bị coi là hy sinh những người khác cho bản thân mình. Còn vị nhân sinh trở thành hy sinh thân mình vì những người khác. Điều này đã vĩnh viễn trói một người vào những người khác và khiến cho anh ta không còn lựa chọn nào khác ngoài sự đau khổ: sự đau khổ mà anh ta phải mang vác để thỏa mãn người khác và sự đau khổ mà anh ta gây ra cho người khác để thỏa mãn bản thân anh ta. Đến khi người ta thêm vào một điều khoản - rằng con người phải tìm kiếm niềm vui trong việc hy sinh bản thân thì cái bẫy đã hoàn toàn sập xuống. Con người bị ép phải coi khổ dâm là lý tưởng - vì nếu không, họ chỉ còn một lựa chọn là bạo dâm. Đây là vụ lừa đảo lớn nhất mà loài người đã thực hiện.

“Đây chính là công cụ mà theo đó sự phụ thuộc và khổ đau được duy trì như nền tảng của cuộc sống.

“Sự lựa chọn mà chúng ta phải có không phải là giữa hy sinh bản thân và hy sinh người khác. Sự lựa chọn phải là giữa sống độc lập và sống lệ thuộc. Giữa nguyên tắc sống của người sáng tạo với nguyên tắc sống của những kẻ thứ sinh. Đây chính là vấn đề cơ bản. Nó là lựa chọn giữa sống và chết. Nguyên tắc sống của người sáng tạo được xây dựng trên những nhu cầu của một bộ óc biết tư duy và do đó giúp con người tồn tại được. Nguyên tắc sống của nhưng kẻ thứ sinh được xây dựng trên nhu cầu của một bộ óc không có khả năng tồn tại. Tất cả những gì bắt nguồn từ cái tôi độc lập của con người đều lành mạnh. Tất cả những gì bắt nguồn từ sự lệ thuộc của con người vào người khác đều là xấu xa.

“Người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối không bao giờ bắt người khác hy sinh cho mình. Anh ta sống vượt ra ngoài nhu cầu sử dụng những người khác, dù dưới bất cứ hình thức nào. Anh ta không hoạt động thông qua họ. Trong những lĩnh vực cốt lõi nhât - tức là trong mục đích, động cơ, tư duy, khát vọng, năng lực - anh ta không quan tâm tới người khác. Anh ta không sống vì bất cứ ai - và anh ta không yêu cầu ai phải sống vì anh ta. Đây là hình thức duy nhất để tình bằng hữu và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người

“Năng lực của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên: mức độ độc lập, chủ động, và tình yêu công việc của mỗi người là yếu tố quyết định tài năng của anh ta với tư cách là một người lao động và quyết định giá trị của anh ta với tư cách một con người. Sự độc lập là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá phẩm chất và giá trị của loài người. Anh ta là ai và anh ta tự tạo ra cái gì; chứ không phải anh ta đã làm được hoặc không làm được gì cho người khác. Không có gì có thể thay thế được phẩm giá cá nhân. Và không có tiêu chuẩn nào khác cho phẩm giá cá nhân ngoài tính độc lập.

...

“Quyền đầu tiên của con người trên trái đất này là quyền có cái tôi. Bổn phận đầu tiên của một con người là bổn phận với chính mình. Nguyên tắc đạo đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống của anh ta. Bổn phận đạo đức của anh ta là phải làm những gì anh ta khao khát, miễn là khao khát đó không do người khác quyết định. Bổn phận đạo đức này phải chi phối sự sáng tạo, tư duy và lao động của anh ta. Những kẻ ăn cướp, những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh, hay những kẻ độc tài dĩ nhiên không sống theo bổn phận này.

“Một con người luôn nghĩ và làm việc một mình. Một con người không thể ăn cắp, lợi dụng hay cai trị một mình. Ăn cắp, lợi dụng hay cai trị luôn đòi hỏi phải có nạn nhân. Chúng bao hàm sự lệ thuộc. Chúng là lãnh địa của những kẻ sống thứ sinh.

“Những người cai trị người khác không phải là những người vị kỷ. Họ chẳng tạo ra cái gì cả. Họ tồn tại hoàn toàn thông qua những người khác. Mục đích của họ nằm trong đối tượng mà họ cai trị, trong hành vi nô dịch hóa người khác. Họ cũng lệ thuộc chẳng kém gì những người ăn xin, những người làm công tác xã hội và lũ kẻ cướp. Ở đây, hình thức lệ thuộc không quan trọng.

“Nhưng loài người đã được dạy dỗ để coi những người sống thứ sinh - những tên bạo chúa, những ông hoàng, những kẻ độc tài - như những ví dụ tiêu biểu của lòng vị kỷ. Qua sự đánh tráo khái niệm này, loài người bị lừa vào chỗ hủy diệt cái tôi của bản thân họ và của những người khác. Mục đích của sự lừa đảo này là để hủy hoại những người sáng tạo. Hoặc để kìm kẹp họ. Hai điều này thực sự là một.

“Từ lúc bắt đầu của lịch sử loài người, hai đối thủ đã luôn đứng đối mặt nhau: người sáng tạo và người sống thứ sinh. Khi người sáng tạo đầu tiên tạo ra cái bánh xe, kẻ sống thứ sinh lập tức đáp lại. Anh ta tạo ra chủ nghĩa vị nhân sinh.

“Người sáng tạo - mặc dù bị chối bỏ, thù nghịch, ngược đãi và bóc lột - vẫn đi tiếp về phía trước và kéo cả loài người đi theo bằng sức của mình. Những kẻ sống thứ sinh không đóng góp gì vào quá trình này ngoài việc gây ra những trở ngại. Trận đấu bây giờ được khoác một cái tên mới: cá nhân chống lại tập thể.

“‘Lợi ích chung’ của tập thể đã được chọn làm quyền và lý do để bào chữa cho tất cả chế độ chuyên chế bạo ngược đã từng có trong lịch sử loài người. Cái tập thể đó có thể là một sắc tộc, một giai cấp, hay một quốc gia. Tất cả những cơn ác mộng trong lịch sử đều được thực hiện với động cơ trá hình là chủ nghĩa vị nhân sinh. Đã từng có hành vi ích kỷ nào có sức phá hoại ngang với những thảm họa chết chóc do những người đi theo chủ nghĩa vị nhân sinh gây ra? Lỗi nằm ở chỗ loài người không có đạo đức hay ở chỗ nguyên tắc đạo đức của loài người đã sai từ trong bản chất? Những tên đao phủ khủng khiếp nhất lại thường là những người nhiệt tình nhất. Họ nhiệt tình tin rằng có thể đạt được một xã hội hoàn hảo nhờ máy chém và đội hành quyết. Không ai nghi ngờ quyền giết người của họ bởi vì họ giết người với động cơ vị nhân sinh. Người ta chấp nhận việc ai đó phải bị hy sinh vì những người khác. Diễn viên có thể thay đổi, nhưng nội dung vở bi kịch thì vẫn giữ nguyên. Một người đấu tranh cho nhân quyền luôn khởi đầu bằng những tuyên bố về tình yêu nhân loại và luôn kết thúc bằng một biển máu. Điều đó đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra chừng nào loài người vẫn còn tin rằng một hành vi được coi là đức hạnh nếu nó không xuất phát từ cái tôi. Niềm tin này cho phép những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh hành động và ép buộc nạn nhân của họ phải chấp nhận điều đó. Những người lãnh đạo của những phong trào tập thể luôn tuyên bố không cần gì cho bản thân họ. Nhưng hãy quan sát những gì họ đã gây ra.

“Điều đức hạnh duy nhất mà con người có thể làm cho nhau và cái thỏa thuận duy nhất cho mối quan hệ hợp lý giữa người với người là - Buông nhau ra!

19/9/09

Tấm gương và những mảnh vỡ

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về một con quỷ.

Một hôm, quỷ ta rất vui sướng vì đã làm ra một tấm gương rất kỳ lạ. Những vật tốt đẹp soi vào đấy đều nom chẳng ra cái gì cả; trái lại những vật xấu xí lại càng rõ nét và nỗi bật hẵn lên, trông lại càng xấu xí hơn. Những phong cảnh đẹp thì trông như mớ rau muống luộc; những người tốt nhất trở thành đáng ghét hay là đi lộn đầu xuống đất, có khi mất cả bụng. Mặt họ méo mó đến nỗi người ta không có thể nhận ra họ nữa. Nếu người ta chỉ có 1 vết tàn nhang thôi thì nhìn vào gương vết tàn nhang đó sẽ loang ra khắp mũi và xung quanh mồm. Qủy cho thế là thích thú lắm. Khi một người có một ý nghĩ tốt thì ý nghĩ đó sẽ phản ảnh trong gương thành những nét nhăn nhó và quỷ ta cười khoái trá về sự phát minh xảo quyệt của hắn.

Tất cả đồ đệ của quỷ (vì quỷ có 1 trường phái) kể lại rằng tấm gương ấy là một kỳ quan. Chúng bảo:

-Bây giờ người ta có thể biết bộ mặt thật của thế giới và loài người.

Và chúng mang tấm gương đi khắp nơi đến nỗi chẳng một vật nào, chẳng một người nào không bị quỷ làm méo mó đi. Chúng muốn bay lên tận trời để nhạo báng các Tiên đồng và cả Chúa trời nữa. Chúng càng bay cao, gương càng nhăn nhó. Khó nhọc lắm chúng mới giữ nổi gương. Chúng bay lên, bay lên mãi và cuối cùng lên tới gần Thượng đế và các Tiên đồng. Tấm gương nhăn nhó rúm ró lại, cong queo đến nỗi tuột khỏi tay lũ quỷ và rơi vỡ tan thành triệu triệu mảnh.

Như thế sự tác hại còn lớn hơn trước nữa vì một số mãnh chỉ bằng hạt cát bị cuốn bay khắp thế giới và một khi đã bay vào mắt người nào là nằm hẳn trong ấy. Thế là những người ấy nhìn mọi vật đều sai cả hoăc chỉ nhìn thấy những cái xấu xa vì mỗi hạt như vậy đều có phép ma như cả tấm gương lớn.

Một số người bị mãnh gương bắn vào tim: thật là khủng khiếp vì tim họ trở thành lạnh như nước đá . Có mấy mảnh to có thể đem làm kính cửa được nhưng chớ có nhìn bạn bè qua những tấm kính ấy!

Còn thằng quỷ thì được mẻ cười vỡ cả bụng...Than ôi! Cho đến ngày nay trong không trung còn vô khối mảnh vỡ của tấm gương thần!

11/8/09

Những khẩu phần thực phẩm, hư vô

Yêu dấu,

Nếu cuộc đời những kẻ bất hạnh, như tôi, được làm thành bởi những phỉnh gạt êm đềm, nhung lụa; (thì,) ngay tự thuở ấu thơ, những giấc mơ đã đánh lừa tôi, về một bà tiên dịu dàng, với chiếc đùa thần, mang tiếng cười và, mùi hơi thịt da mẹ tôi, trở về, giữa sân chơi, lủi thủi, một mình với những con dế chết khô, trong đám hộp diêm, bé, dại. Yêu dấu, thời gian, mụ phù thủy ác độc, không chỉ ngắt trộm từ Yêu dấu, những bông hoa nhan sắc, thơ ngây. Thời gian, mụ phù thủy ác độc, còn lấy đi khỏi giấc mơ tôi: bà tiên, chiếc đũa thần, mùi da thịt mẹ, những con dế (dù đã) chết khô, và, luôn cả sân chơi, những lủi thủi, một mình, để que diêm hôm nay, cách gì cũng chỉ có thể cháy lên, đợi chờ, trở thành tàn, tro chính nó. Như tôi hôm nay, cuối cùng, cũng chỉ còn đủ hơi sức, thu rút bóng mình, trong xó góc lãng quên đầm đầm, kỷ niệm, khốn khó. Kỷ niệm đã cùng Yêu dấu, đi mau. Kỷ niệm đã cùng Yêu dấu, vực sâu; đã cùng Yêu dấu, đỉnh gió. Yêu dấu, Nếu cuộc đời những kẻ bất hạnh như tôi, được làm thành bởi những phỉnh gạt êm đềm, nhung lụa; (thì,) những cánh chim hải âu, đã đánh lừa tôi, rằng: chân trời không xa, biển gần quá đỗi! Không gian chỉ là khoảng cách địa lý. Địa đàng nơi trái tim. Mắt, môi là trái táo. Hơi thở, tiếng nói, ai kia, mới là thực phẩm nhân gian, cần thiết. Nhưng, Yêu dấu, cuối cùng, rồi những cánh chim hải cũng đã mang bình minh tôi, đi khuất. Như buổi chiều, cuối cùng, cũng đã mang bóng tối, kế tục hoàng hôn, về lại cho tôi. Như thể, đó là khẩu phần thực phẩm đời tôi, cố định. Những khẩu phần thực phẩm, hư vô. Những khẩu phần thực phẩm, đợi chết. Yêu dấu, cuối cùng, trái tim bảo tôi: nó không hề tìm thấy dấu chỉ một khu vườn địa đàng nào, cho tôi. Bởi trái tim, cảnh thổ địa đàng, tên em, đã thuộc về kẻ khác. Yêu dấu, cuối cùng, mắt, môi bảo tôi: chúng không hề tìm thấy, cho tôi, chí ít, lớp vỏ táo, gọt, bỏ, rớt, rơi. Bởi mắt, môi hôm nay, đã thuộc về mắt, môi kẻ khác. Yêu dấu, cuối cùng, không gian cũng nhân từ một cách lạnh lẽo, dạy tôi: khoảng cách là biệt ly. Địa lý là mộ huyệt. Những ngôi mộ, Yêu dấu, cách gì, với tôi, cũng chỉ là những dấu gạch ngang, xuống hàng; chấm hết. Sang trang. Yêu dấu, nếu cuộc đời những kẻ bất hạnh như tôi, được làm thành bởi những phỉnh lừa êm đềm, nhung lụa; (thì,) những ngọn cây rạo rực nắng, gió, đã đánh lừa tôi về những âm vang đường xa, tiếng gọi. Tiếng gọi kêu Yêu dấu, đồng vọng từ cánh rừng, mái tóc ai xanh. Tiếng gọi kêu Yêu dấu, đồng vọng từ năm tháng chưa qua; (mà,) sao sớm tựa kiếp trước. Tiếng gọi kêu Yêu dấu đồng vọng, từ mùi hương ái ân mù lòa, đã nhạt. Từ gối chăn hẹn hò trăm năm, đời nhau, đã tủi. Từ thịt xương ký thác ơn đền, mục, mủn chia phôi.

Yêu dấu, những ngọn cây rạo rực nắng, gió khi không, bặt âm. Đường xa, khi không gạch, xóa. Nắng ai, cho tôi; chỉ một trưa thôi, đã là nắng thiu. Gió ai, cho tôi; chỉ một chiều thôi, đã là gió ốm. Đường ai, cho tôi; chỉ một đêm thôi, đã là sợi thừng thắt cổ tôi, sâu!!!

Yêu dấu, Nếu cuộc đời những kẻ bất hạnh, như tôi, được làm thành bởi những phỉnh gạt êm đềm, nhung lụa; (thì,) mưa đã đánh lừa tôi: từng hồi, cửa gõ. Tiếng gõ nõn, thơ ngực ai, một chiều mở ngỏ. Tiếng gõ nhàu, thơm da ai, một đêm, xiêm y, cởi, bỏ. Tiếng gõ mừng, như nước mắt, tôi quen.

Yêu dấu, mưa bao năm, mưa mấy đời, đã đánh lừa tôi bằng tiếng gõ thì thầm, nỗi thầm thì của những hồi chuông lẩy bẩy trên ngọn chóp thánh đường đêm sương; (mà,) Thượng Đế chọn mãi, cũng chỉ lựa được đôi ta, để sinh sôi mai sau, (làm thành nhân loại, mới.) Yêu dấu, như thế đó, mưa bao đêm; như thế đó, mưa mỗi mùa, đã đánh lừa tôi, hồi sinh từ gót nhỏ, em về. Nhưng, Yêu dấu, cuối cùng, rồi con suối cũng gom đủ bao dung, khuyên tôi, nguôi lắng ảo tưởng, nguôi lắng đợi chờ.

Nhưng. Yêu dấu, cuối cùng, rồi những con chim cũng tha đủ từ tâm, nhủ tôi, cách gì, mưa cũng chỉ là đường bay giáp vòng chu kỳ khí hậu.

Nhưng, Yêu dấu, cuối cùng, rồi những con kiến hôi, cũng tha đủ độ lượng, đủ thương xót, chỉ dạy tôi, hãy nhâm nhi nỗi tẻ nhạt đời mình, như chúng hằng nhâm nhi phần số..."cái kiến" của chúng. Chỉ riêng em, chỉ riêng Yêu dấu, cùng ngọn đèn/ chỗ nằm/ mùi hơi quần áo, cũ/..., là không cho tôi, (tuyệt nhiên không cho tôi,) một lời nói nhỏ.

Phải chăng, vì em, vì Yếu dấu, là tổng số phỉnh gạt êm đềm, nhung lụa tôi kia, cộng lại ?!!

Du Tử Lê


13/7/09

All Alone

I'm standing here
Watching the clouds float by
Wondering why the pain never deserted me
The sadness, sorrow, bewilderness that never left

I'm flying... away
I'm flying... away

Holding hands with myself
Sharing life with myself
Reaping the loneliness I've sown
In these fields I've always grown
Digging blackness from my mind
I will die all alone


Cái giá của sự tự do :))

11/7/09

Mùa thu không trở lại

Cô bé ấy có một lần nói khẽ

Anh tin không, em sẽ ngủ một tuần

Anh đừng đến và đừng buồn anh nhé

Em ngủ rồi, còn ai nữa mà mong


Em ngủ rồi, em có dậy nữa không ?

Mùa thu tiễn anh qua miền phố vắng

Mỏng manh quá lời yêu không đủ ấm

Những đam mê ngày ấy ngỡ xa rồi


Nỗi buồn chiều ta uống với ta thôi

Em như cỏ, em làm ta cháy mất

Giấc ngủ ấy ai tin là có thật

Em một mình đốt hết cả mùa thu


Ở bên kia thành phố có sương mù

Ai hát đấy, ta buồn như cỏ dại

Dậy thôi em, mùa thu không trở lại

Giấc mơ nào trên cỏ hãy còn xanh…

Nguyễn Việt Chiến

9/7/09

20090709

Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không

29/6/09

Chuyện của mùa

Những mùa cưới vẫn qua đây
Áo người vẫn trắng, lá bay vẫn nhiều

Bao nhiêu cô gái đang yêu
Bao nhiêu trai phố tìm chiêu tỏ tình

Mỗi mùa thu mỗi mới tinh
Căn phòng ấy vẫn một mình sang đông

Có cô hàng xóm chưa chồng
Chăn đơn mỗi tối, phòng không mỗi chiều

Xóm giềng cứ giục cô yêu
Bạn bè bảo: chẳng biết kiêu, hay là…

Cô hàng xóm mặc áo hoa
Tối nào cũng thấy ở nhà online

Chẳng ai hiểu tiếng thở dài
Mỗi khi mùa cưới giục ngoài song thưa

Đêm qua cô chát với mưa
Hay là đợi một nick chưa sáng đèn?

Cái chung cư vẫn cũ mèm
Trẻ con vẫn cứ chạy xem pháo hồng

Vẫn cô hàng xóm chưa chồng
Đêm đêm vẫn chat trong phòng thật khuya

Mấy lần đã định tăm tia
Mấy lần đã định sang chia thở dài

Mà cô cứ chat với ai
Nên giờ cũng phải online thế này …

Phạm Trung Kiên

22/6/09

20090622

Hở môi ra cũng thẹn thùng
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai

12/6/09

Những khẩu phần thực phẩm, hư vô


Yêu dấu,
Nếu cuộc đời những kẻ bất hạnh, như tôi, được làm thành bởi những phỉnh gạt êm đềm, nhung lụa; (thì,) ngay tự thuở ấu thơ, những giấc mơ đã đánh lừa tôi, về một bà tiên dịu dàng, với chiếc đùa thần, mang tiếng cười và, mùi hơi thịt da mẹ tôi, trở về, giữa sân chơi, lủi thủi, một mình với những con dế chết khô, trong đám hộp diêm, bé, dại. Yêu dấu, thời gian, mụ phù thủy ác độc, không chỉ ngắt trộm từ Yêu dấu, những bông hoa nhan sắc, thơ ngây. Thời gian, mụ phù thủy ác độc, còn lấy đi khỏi giấc mơ tôi: bà tiên, chiếc đũa thần, mùi da thịt mẹ, những con dế (dù đã) chết khô, và, luôn cả sân chơi, những lủi thủi, một mình, để que diêm hôm nay, cách gì cũng chỉ có thể cháy lên, đợi chờ, trở thành tàn, tro chính nó. Như tôi hôm nay, cuối cùng, cũng chỉ còn đủ hơi sức, thu rút bóng mình, trong xó góc lãng quên đầm đầm, kỷ niệm, khốn khó. Kỷ niệm đã cùng Yêu dấu, đi mau. Kỷ niệm đã cùng Yêu dấu, vực sâu; đã cùng Yêu dấu, đỉnh gió. Yêu dấu, Nếu cuộc đời những kẻ bất hạnh như tôi, được làm thành bởi những phỉnh gạt êm đềm, nhung lụa; (thì,) những cánh chim hải âu, đã đánh lừa tôi, rằng: chân trời không xa, biển gần quá đỗi! Không gian chỉ là khoảng cách địa lý. Địa đàng nơi trái tim. Mắt, môi là trái táo. Hơi thở, tiếng nói, ai kia, mới là thực phẩm nhân gian, cần thiết. Nhưng, Yêu dấu, cuối cùng, rồi những cánh chim hải cũng đã mang bình minh tôi, đi khuất. Như buổi chiều, cuối cùng, cũng đã mang bóng tối, kế tục hoàng hôn, về lại cho tôi. Như thể, đó là khẩu phần thực phẩm đời tôi, cố định. Những khẩu phần thực phẩm, hư vô. Những khẩu phần thực phẩm, đợi chết. Yêu dấu, cuối cùng, trái tim bảo tôi: nó không hề tìm thấy dấu chỉ một khu vườn địa đàng nào, cho tôi. Bởi trái tim, cảnh thổ địa đàng, tên em, đã thuộc về kẻ khác. Yêu dấu, cuối cùng, mắt, môi bảo tôi: chúng không hề tìm thấy, cho tôi, chí ít, lớp vỏ táo, gọt, bỏ, rớt, rơi. Bởi mắt, môi hôm nay, đã thuộc về mắt, môi kẻ khác. Yêu dấu, cuối cùng, không gian cũng nhân từ một cách lạnh lẽo, dạy tôi: khoảng cách là biệt ly. Địa lý là mộ huyệt. Những ngôi mộ, Yêu dấu, cách gì, với tôi, cũng chỉ là những dấu gạch ngang, xuống hàng; chấm hết. Sang trang. Yêu dấu, nếu cuộc đời những kẻ bất hạnh như tôi, được làm thành bởi những phỉnh lừa êm đềm, nhung lụa; (thì,) những ngọn cây rạo rực nắng, gió, đã đánh lừa tôi về những âm vang đường xa, tiếng gọi. Tiếng gọi kêu Yêu dấu, đồng vọng từ cánh rừng, mái tóc ai xanh. Tiếng gọi kêu Yêu dấu, đồng vọng từ năm tháng chưa qua; (mà,) sao sớm tựa kiếp trước. Tiếng gọi kêu Yêu dấu đồng vọng, từ mùi hương ái ân mù lòa, đã nhạt. Từ gối chăn hẹn hò trăm năm, đời nhau, đã tủi. Từ thịt xương ký thác ơn đền, mục, mủn chia phôi.
Yêu dấu, những ngọn cây rạo rực nắng, gió khi không, bặt âm. Đường xa, khi không gạch, xóa. Nắng ai, cho tôi; chỉ một trưa thôi, đã là nắng thiu. Gió ai, cho tôi; chỉ một chiều thôi, đã là gió ốm. Đường ai, cho tôi; chỉ một đêm thôi, đã là sợi thừng thắt cổ tôi, sâu!!!
Yêu dấu, Nếu cuộc đời những kẻ bất hạnh, như tôi, được làm thành bởi những phỉnh gạt êm đềm, nhung lụa; (thì,) mưa đã đánh lừa tôi: từng hồi, cửa gõ. Tiếng gõ nõn, thơ ngực ai, một chiều mở ngỏ. Tiếng gõ nhàu, thơm da ai, một đêm, xiêm y, cởi, bỏ. Tiếng gõ mừng, như nước mắt, tôi quen.
Yêu dấu, mưa bao năm, mưa mấy đời, đã đánh lừa tôi bằng tiếng gõ thì thầm, nỗi thầm thì của những hồi chuông lẩy bẩy trên ngọn chóp thánh đường đêm sương; (mà,) Thượng Đế chọn mãi, cũng chỉ lựa được đôi ta, để sinh sôi mai sau, (làm thành nhân loại, mới.) Yêu dấu, như thế đó, mưa bao đêm; như thế đó, mưa mỗi mùa, đã đánh lừa tôi, hồi sinh từ gót nhỏ, em về. Nhưng, Yêu dấu, cuối cùng, rồi con suối cũng gom đủ bao dung, khuyên tôi, nguôi lắng ảo tưởng, nguôi lắng đợi chờ.
Nhưng. Yêu dấu, cuối cùng, rồi những con chim cũng tha đủ từ tâm, nhủ tôi, cách gì, mưa cũng chỉ là đường bay giáp vòng chu kỳ khí hậu.
Nhưng, Yêu dấu, cuối cùng, rồi những con kiến hôi, cũng tha đủ độ lượng, đủ thương xót, chỉ dạy tôi, hãy nhâm nhi nỗi tẻ nhạt đời mình, như chúng hằng nhâm nhi phần số..."cái kiến" của chúng. Chỉ riêng em, chỉ riêng Yêu dấu, cùng ngọn đèn/ chỗ nằm/ mùi hơi quần áo, cũ/..., là không cho tôi, (tuyệt nhiên không cho tôi,) một lời nói nhỏ.
Phải chăng, vì em, vì Yếu dấu, là tổng số phỉnh gạt êm đềm, nhung lụa tôi kia, cộng lại?!!
DU TỬ LÊ

6/6/09

Chuyển nhà

Blog 360 của yahoo đã tuyên bố tèo 1 cách chính thức. Thôi thì mình chuyển sang đây lảm nhảm. Bên yahoo cũng đã đóng blog 2 năm rồi, h ko muốn open hay export ra đâu nữa. Chắc sẽ lục lọi vài thứ cũ kỹ sang bên này.
Mất cả tối mới sửa lại được cái theme cho nó giống với bên 360.yahoo.com

1/6/09

01/06/2009

Quà 1/6 năm nay nhận đc là 
E_Candy của KY
Kẹo mút của TrongNK trong Sro
Tùng già mua cho khuyên tai
Cafe với Bao Anh
Cafe với HC, SB, Tuấn Gà
QB mua nhẫn cho rồi đi uống trà sữa 
Mama mua cho khuyên tai :X
... to be continue...
I'm a really big baby

... đó là copy từ entry  ngày 01/06/2007 ở blog bên yahoo. 

1/06 năm nay :
Ốm dặt dẹo nằm nhà, chả có ai tặng quà 1/6. Mọi năm các bạn qua cho người già neo đơn đi cafe :(, năm nay SB thì mới ốm dậy chả đi đc, HC thì lúc nào cũng bận. Bảo Anh thì ở Thụy Sỹ mất rồi :((...
Cúm H6N2, nằm nhà cả ngày, đói meo chả có gì ăn, nhà nghèo hết gạo, hết mì, hét bánh mì, mẹ đi làm về muộn, ông anh về muộn, bố thì " ở nhà bố ".  Ngồi mút tay than thở với cái blog vậy. 

28/5/09

“Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi!”

Sáng nay, trong khi sắp xếp những chồng thư cũ, tôi tình cờ đọc lại một bài thơ ngắn của Jacques Prévert mà cô bạn cũ nắn nót chép tặng trên một tờ thư có in hoa rất đẹp. Bài thơ vỏn vẹn năm câu được cô đặt vắt qua hai trang giấy một cách đầy ngụ ý.

Trang thứ nhất:

Tôi sung sướng và tự do
Như ánh sáng
Bởi hôm qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy yêu tôi

Hai câu cuối bị đẩy qua trang sau:
Anh ấy đã không nói thêm
rằng anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi…

Khi đọc bài thơ này cách nay hai mươi năm, tôi đã cảm nhận nó bằng một tâm hồn tươi trẻ. Bây giờ, cuộc sống giúp tôi nhìn có lẽ đã khác đi về bài thơ trên trang giấy đã ố vàng này.

Cô gái trong thơ nhạy cảm và tinh tế, vì đã không đợi đến khi người mình yêu quay lưng mới xót xa nhận ra rằng tự do “như ánh sáng” chỉ là một thứ tự do mong manh. Hạnh phúc “như ánh sáng” là một hạnh phúc có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Nhưng giả sử chàng trai có nói thêm rằng “sẽ yêu mãi mãi”, hoặc có thề hứa trăm năm đi nữa… ai dám khẳng định trái tim chàng sẽ không đổi thay? Nếu từng đọc Ruồi Trâu, hẳn bạn còn nhớ đọan văn này: “Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy thiết tha với một điều nào đó, thế là đủ rồi.”

Ngoài sự “thiết tha tự nguyện” đó ra, chẳng có gì ràng buộc được trái tim con người, nên đừng tin chắc rằng ai đó sẽ mãi không đổi thay. Cũng không thể buộc ai đó không được đổi thay. Trên đời không có thứ vũ khí hay quyền lực tuyệt đối nào có thể níu giữ trái tim một khi nó đã quyết tâm rẽ lối. Cho dù đó là nhan sắc, một tình yêu sâu đậm, những kỷ niệm sâu sắc đắm say. Càng không phải là sự yếu đuối, sự khéo léo sắc sảo hay vẻ thông minh dịu dàng, sự giàu có hay thương hại… Những thứ đó có thể níu kéo một thân xác, một trí óc… nhưng không thể níu kéo một trái tim.

Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực… nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.

Tôi không cho niềm tin là món quà vô giá mà ta dành cho người khác. Bởi đôi khi, sự tin tưởng hoá ra là một việc rất… đơn phương và vô trách nhiệm. Nó có nghĩa bắt người kia vào rọ, không tính đến khả năng thay đổi của trái tim con người. Tin tưởng là trút gánh nặng sang vai người khác, bất kể người ta có chịu nhận nó hay không. Việc nhận định hay quyết định vấn đề không còn dựa vào sự thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt hay sự nhạy cảm, bao dung của ta mà hoàn toàn giao phó cho người khác. Và nếu khi họ thay đổi, ta thường nhân danh sự tin tưởng tuyệt đối mà mình đã tự nguyện gửi gắm để cho phép mình cái quyền được ghép tội họ.

Nhưng, bất cứ ai cũng có thể có lúc đổi thay.

Sự thay đổi của người khác, nhất là ở người ta vô cùng yêu quý, chắc chắn khiến ta tổn thương. Nhưng hãy nhớ rằng người quân tử khi đã hết tình cảm thì thường tỏ ra lạnh nhạt. Như ẩn sĩ Urabe Kenkô trong tập Đồ Nhiên Thảo đã viết: “Khi người sáng chiều hết sức thân quen, không có gì ngăn cách bỗng một hôm lại làm mặt lạ và có cử chỉ khác thường, chắc hẳn sẽ có kẻ bảo: “Sao xưa thế kia mà bây giờ lại thế khác?” Theo ta, thái độ lạnh lùng đó chứng tỏ người ấy hết sức đàng hoàng và thành thật.”

Cuối cùng đó mới chính là cốt lõi của tình yêu, tình bạn và những mối quan hệ thân sơ khác. Sự thành thật, chứ không phải là lời hứa vĩnh viễn thủy chung. Bạn có thể yêu hay ghét. Thích hay không còn thích nữa. Chỉ cần thành thật, bạn sẽ luôn luôn thanh thản.

Tôi đọc lại lần nữa bài thơ ngắn ngủi trên tờ thư cũ, và cảm nhận một cách rõ rệt vẻ trách móc đắng cay dịu dàng rất đỗi con gái. Nhưng ít nhất cô gái trong bài thơ kia cũng biết rằng người yêu cô đã rất thành thật, khi không hứa một điều mà anh không tin chắc. Cô cũng biết trái tim con người là một tạo vật hoàn toàn tự do, và một khoảnh khắc đắm say hạnh phúc không hề là lời hứa hẹn vĩnh cửu.

Cô bạn yêu quý của tôi chắc cũng nhận ra điều đó, nên đã viết thêm một dòng chữ xinh xinh vào cuối trang thư, một dòng ngắn mà tôi không bao giờ quên được:

“Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”.

Phạm Lữ Ân (2! số 133- phát hành ngày 13/2/2009)

16/5/09

16/05/2009

.... Hình như chẳng có ai xứng đáng để cho chúng ta yêu và chúng ta cũng không xứng đáng để ai yêu cả. Mặc dù trên thế gian này, hằng ngày chúng ta vẫn thường chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn, nhưng trên thực tế chúng ta hoàn toàn không yêu thương nhau.

Con người với con người chẳng hề có tình thương yêu. Ai cũng cô đơn. Sự cô đơn này lên tới đỉnh điểm, không có cách nào thoát khỏi hay giải toả được. Những mối quan hệ mà chúng ta cứ tưởng rằng cả hai bên đều vô cùng yêu thương nhau, những người đã từng đem lại nhiều niềm vui cho người mình yêu mến, những kỉ niệm luôn ấm áp trong kí ức đến cuối cùng, nếu như không dần dần phai nhạt đi theo thời gian thì cũng có một kết cục vô cùng thê thảm. Tình yêu là một việc rất bất đắc dĩ. Tình yêu là một hỗn hợp của sự tất yếu, không thể tránh khỏi, nhưng nó cũng chẳng thể nào làm chúng ta thoả mãn.

Còn tình cảm gia đình thì sao? Cũng bất đắc dĩ như vậy cả thôi. Bạn không có quyền lựa chọn bố mẹ sinh ra mình. Bạn cũng không có quyền lựa chọn tình cha hay tình mẹ. Bạn sẽ nhận được bao nhiêu tình cảm của cha mẹ, điều đó bạn chẳng thể quyết định được. Cho dù không vừa lòng thì bạn cứ phải sống và chấp nhận điều đó, vẫn phải cố gắng yêu thương, vẫn phải làm tròn chữ hiếu. Bởi vì họ chính là người đã nuôi dưỡng chúng ta.
Tình bạn còn bạc bẽo hơn. Giữa nam và nữ không có tình bạn, một là yêu, hai là không yêu. Tôi là một đứa con gái, chỉ có thể có tình bạn với một đứa con gái. Mà tình bạn của con gái thì không có gì để nói! Chỉ cần một ánh mắt ghen tị với chiếc vòng tay mới hoặc một cái tin nhắn của một người con trai cũng đủ để huỷ diệt một tình bạn ngọt ngào. Tình bạn của con gái giống như một quả bóng bay, lúc bình thường có thể thổi lên rất to, rất căng, rất đẹp. Nhưng ở trong ruột thì trống rỗng. Chỉ cần một lần chịu sự tác động nhẹ nhàng ở bên ngoài thì nó sẽ lập tức nổ tung và chẳng còn gì nữa.


Vậy là trong tình cảm, chẳng thể tin được cái gì cả, đều là những chuyện bất đắc dĩ cả thôi. Nhưng những điều đó lại vô cũng cần thiết. Bởi vì chúng ta là con người...

Trích "Cô đơn vào đời"

13/5/09

Bà già gửi thư lấy chồng

   Phú đắc : Bà già đã bảy mươi tư
Ngồi trong cửa sổ gửi thư lấy chồng
Đã trót sinh ra kiếp má đào
Bảy mươi tư tuổi có là bao
Xuân xanh xấp xỉ hàm răng rụng
Ngày tháng ân cần mảnh giấy trao
Chữ nhất nhi chung đành đã vậy
Câu tam bất hiếu nữa làm sao
May mà chim đươc ông chồng trẻ
Họa có xinh ra được chút nào.

Nguyễn Khuyến

11/5/09

Chẳng biết

Thời gian dài và rộng quá
Chẳng biết cất hết ở đâu?
Tình yêu nhỏ nhen quá
Chẳng biết khoe thế nào?
Tương lai xa xôi còn ta quá kì lạ

Nhưng tuổi trẻ dẫu ẩm ương vật vã
Thì cũng có làm sao…

Có làm sao,
Em nhỉ?

Khi nỗi nhớ là một gói hành trang
Khi anh là một gã lãng tử lang thang
Cầm trên tay chiếc vé đơn không có chuyến khứ hồi
Con tàu khuya mải miết
Chẳng biết tàu chạy hay đường ray đang trôi?

Về đâu,
Chẳng biết em có ở đấy không?
Lông bông buồn bã…

Đêm buồn và lạnh quá
Chẳng biết bình minh ngủ góc nào?
Cà phê đen và sánh quá
Chẳng biết thiếu cà phê người cô đơn sẽ nhấm nhẳn ra sao?
Tình yêu ta thức năm canh còn người yêu ta đang say giấc
Nhưng yêu thương dẫu chỉ dài chưa đến một gang một tấc
Thì cũng có làm sao?
Có làm sao,
Em nhỉ?

Bởi tình cảm trao nhau vồn vã qua loa
Còn tình yêu là một món hàng hóa xa hoa
đang hạ giá

Chẳng biết có ai mua
Như một lời rao già nua:

“Ai mua hành tôi
Thì yêu tôi với”.

Nguyễn Hải Sơn-(Paris 07/04/2007)

8/5/09

Tản Đà tứ lục

Ngựa tuấn nọ để còn xương thiên lý, ngàn vàng chưa dễ mấy ai mua!
Ngọc bích kia chưa tỏ giá liên thành, giọt lụy chớ hoài riêng kẻ khóc.

Cho nên:
Lan có cây mọc trong hang tối;
Gà có con rứt bỏ lông đuôi.
Đem tài hoa mà ai oán với trần ai,

Chẳng thà: Dấu hương sắc để lánh chơi ngoài cõi tục.

Vậy:
Ấy đã thế gian là thế, giận làm chi, mà dỗi nữa làm chi.
Thôi thời tri kỷ mà chi, tẻ cũng thế, có vui thời cũng thế.
Ngẫm từ trước biết bao tài tử,
Mà trong trần nào mấy tri âm?
Bạch Tuyết, Dương Xuân,
Cao Sơn, Lưu Thủy,
Chẳng cứ gì Tây Sương với Tỳ bà ký,
Chẳng cứ gì Khuất Nguyên với Cao Đông gia,
Nếu trần ai ai cũng biết ai,
Ai còn phải vì ai cảm khái.
Cội thông lũa chơ vơ đỉnh núi,đầm thấm tuyết sương,
Bông hoa đào hớn hở gió đông, đãi đằng ong bướm.
Kiếp văn tự ngẫm ra nhường cũng rứa,
Trải trăm tuổi đến khi đầu bạc,
phí bao nhiêu tiếng khóc tiếng cười!
Khách cổ kim nào có khác chi nhau,
Hỏi nghìn thu xin giọt mực đen,
xóa cho hết chữ tài chữ ngộ!
. . . . . . . . . . . .